[FIV – Sida Mèo] Dấu hiệu báo bệnh và cách phòng FIV ở mèo

Bệnh FIV ở mèo là gì? Mèo bị bệnh FIV có nguy hiểm không? Cần làm gì khi mèo bị FIV? Cách ngăn ngừa và điều trị nếu mèo bị FIV?


Bệnh FIV thường được gọi là Sida mèo là bệnh lý gây suy giảm nghiêm trọng hệ miễn dịch của mèo và khả năng dẫn đến tử vong cao.

 1. Bệnh FIV ở mèo là gì? Mèo bị FIV có nguy hiểm không?

Virus gây FIV ở mèo có cách thức hoạt động tương tự bệnh HIV/ AIDS ở người

Mèo bị FIV (Feline Immunodeficiency Virus) – Bệnh suy giảm hệ miễn dịch do nhiễm Retrovirus. Cách thức hoạt động của virus FIV ở mèo tương tự như bệnh HIV/ AIDS ở người. Virus này giết chết hoặc làm hỏng các tế bào trong hệ thống miễn dịch của mèo, thường là các tế bào bạch cầu. Sự phá hủy liên tục của virus dần khiến hệ miễn dịch của mèo bị suy giảm nghiêm trọng, dễ bị nhiễm trùng thứ phát và tử vong.

Spa cho mèo tại VuiPet – nơi cung cấp dịch vụ tắm cho mèo, tỉa lông mèo chuyên nghiệp TP.HCM

 2. Triệu chứng mèo bị FIV?

Dấu hiệu mèo bị nhiễm FIV giống với nhiều bệnh lý khác do nhiễm trùng thứ phát

Mèo dương tính với virus FIV có thể không xuất hiện bất kì triệu chứng nào trong một thời gian dài – lên đến vài năm. Trong khoảng thời gian bệnh chưa biểu hiện, sức khỏe của mèo vẫn hoàn toàn tốt. Tuy nhiên khi những dấu hiệu đầu tiên bắt đầu phát triển, mèo có thể bị xen kẽ cả những bệnh thứ phát khác. Điều này làm sức khỏe của mèo suy giảm nhanh chóng trong thời gian rất ngắn.

Vì vậy, bạn nên đưa mèo đến cơ sở thú y để chẩn đoán nếu chúng xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh FIV sau đây:

  • Mèo mệt mỏi, chán ăn
  • Giảm cân
  • Bị sốt
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Thiếu máu
  • Co giật
  • Vết thương khó lành hoặc không lành
  • Tiêu chảy liên tục
  • Tình trạng da hoặc lông kém (bệnh lý về da, lông rụng hoặc xơ xác…)
  • Những nhiễm trùng ở khoang miệng (viêm miệng, viêm nướu, viêm nha chu…)
  • Những bất thường ở vùng mắt (viêm kết mạc, ra nhiều gỉ mắt, chảy nước mắt dai dẳng…)
  • Bệnh về đường hô hấp (sổ mũi, hắt hơi, ho, khó thở, viêm phổi…)
  • Các nhiễm trùng mãn tính hoặc tái phát (mắt, tai, da, bàng quang, đường ruột, đường hô hấp trên…)
  • Dấu hiệu rối loạn thần kinh: những thay đổi trong hành vi, mất kiểm soát cơ thể…

Các triệu chứng của bệnh FIV kể trên có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc cùng lúc trên cơ thể mèo. Các triệu chứng này tương đối giống một số bệnh lý đơn giản khác hoặc bệnh giảm bạch cầu ở mèo. Để yên tâm hơn, bạn nên đưa mèo đi khám ngay nếu nghi ngờ đó là dấu hiệu của bệnh.

 3. Mèo bị FIV – Nguyên nhân do đâu?

Mèo thường bị nhiễm FIV do bị một chú mèo nhiễm bệnh khác cắn

Hầu hết mèo bị FIV đều do 2 lý do sau đây:

  • Mèo bị FIV do bị con vật khác cắn: Tương tự với bệnh dại, hầu hết mèo bị nhiễm FIV do sự lây truyền từ vết cắn sâu bởi một chú mèo khác. Nước bọt thông qua vết thương hở sẽ truyền virus FIV cho chú mèo bị cắn.
  • Mèo bị FIV do bị lây từ mẹ sang con: Mèo mẹ mang thai bị nhiễm virus FIV có thể truyền sang mèo con khiến chúng nhiễm bệnh.

Giống như bệnh HIV ở người, FIV ở mèo không lây lan qua đường nước bọt hoặc các tiếp xúc trực tiếp khác như: dùng chung bát ăn, chải chuốt cho nhau, hắt xì, sử dụng chung hộp vệ sinh…

 4. Mèo bị FIV chẩn đoán và điều trị như thế nào?

Nên đưa mèo đi bác sĩ thú y để được chẩn đoán và điều trị bệnh FIV

  • Chẩn đoán mèo bị FIV:

Dấu hiệu của bệnh FIV có thể rất giống với một số căn bệnh phổ biến khác do sự nhiễm trùng cơ hội. Vì vậy, bạn nên cho mèo đi bác sĩ thú y để được xét nghiệm và chẩn đoán. Nếu nghi ngờ các triệu chứng xuất hiện là bệnh FIV, nên quan sát và ghi chú lại để nói cho bác sĩ, điều này sẽ rất hữu ích.

Trong thời gian nghi ngờ mèo nhiễm bệnh và đợi xác nhận, không nên cho mèo đi ra ngoài và cách ly với thú cưng khác trong nhà để tránh khả năng lây nhiễm ngoài ý muốn.

Chẩn đoán mèo bị FIV bằng cách thực hiện xét nghiệm máu để tìm kháng thể của mèo với virus.

  • Điều trị mèo bị FIV:

Bệnh FIV ở mèo hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy mèo bị nhiễm FIV, các bác sĩ sẽ khuyên bạn cố gắng giữ môi trường sống sạch sẽ và chăm sóc thật tốt để mèo không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào trong một thời gian dài.

Một số nghiên cứu cho thấy mèo bị FIV sống trung bình 5 năm sau khi được chẩn đoán nếu cố gắng giữ để mèo không biểu hiện triệu chứng. Liệu pháp kháng virus như Interferon hoặc thuốc kháng virus AZT đều có khả năng kéo dài thời gian mèo không triệu chứng.

Nếu các triệu chứng của bệnh FIV bắt đầu xuất hiện, bác sĩ thú y sẽ điều trị các căn bệnh thứ phát do vius gây ra. Các phương pháp điều trị được khuyến nghị là:

  • Sử dụng thuốc điều trị cho từng bệnh nhiễm trùng thứ cấp
  • Bổ sung/ truyền dung dịch hoặc điện giải
  • Sử dụng thuốc điều trị, kiểm soát ký sinh trùng
  • Sử dụng thuốc tiêu viêm
  • Sử dụng thuốc hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch
  • Chế độ ăn nhiều dinh dưỡng để tăng sức đề kháng và giúp mèo dễ tiêu hóa
 5. Cách phòng mèo bị FIV

Theo dõi thú y định kỳ để sớm phát hiện FIV và các bệnh nguy hiểm khác

Phòng bệnh bao giờ cũng dễ dàng hơn việc chữa bệnh. Vì vậy, tốt nhất nên chú ý ngăn ngừa để mèo cưng không bị nhiễm bệnh. Những việc làm sau sẽ giúp bạn phòng chống bệnh FIV ở mèo hiệu quả:

  • Giữ mèo trong nhà để tránh mèo tiếp xúc và ẩu đả với mèo hoang, chó hoang hoặc các vật nuôi khác bị nhiễm bệnh
  • Sử dụng dây xích nếu bạn dắt mèo đi dạo để dễ dàng kiểm soát các trường hợp căng thẳng, tránh mèo đánh nhau với con vật khác
  • Khi bạn mang thú cưng mới về nhà hoặc bất kì con vật nào tiếp xúc với mèo của bạn trong thời gian dài, cần đảm bảo chúng âm tính với FIV
  • Những vật nuôi khác trong nhà cũng cần được theo dõi thú y định kỳ (ít nhất 2 lần mỗi năm bao gồm xét nghiệm máu và nước tiểu)
  • Nên hạn chế trứng sống và thực phẩm sống trong chế độ ăn của mèo
  • Chú ý nếu bạn có nuôi hai chú mèo đực để tránh hành vi đánh, cắn nhau tranh giành lãnh thổ
  • Xét nghiệm FIV cho mèo cái trước khi mang thai để tránh lây virus cho đàn con

Lưu ý:

  • Bệnh FIV thường phổ biến với mèo từ 5 – 12 tuổi.
  • Mèo đực sẽ có nguy cơ nhiễm FIV cao gấp đôi mèo cái.
  • Mèo bị FIV được chẩn đoán và điều trị sớm có thể kéo dài tuổi thọ và chất lượng cuộc sống không bị thay đổi quá nhiều. 
 6. Các câu hỏi phổ biến

Trên thực tế, bệnh FIV – Suy giảm hệ miễn dịch ở mèo thường không phân biệt độ tuổi. Mèo ở độ tuổi nào cũng có thể bị bệnh FIV. Tuy nhiên, mèo từ 5 – 12 tuổi sẽ có khả năng bị FIV cao hơn mèo nhỏ. Và mèo đực có nguy cơ bị FIV cao gấp đôi mèo cái.

Như bệnh HIV/ AIDS ở người, mèo bị FIV chưa có thuốc điều trị. Tuy nhiên, các bác sĩ có thể giúp mèo bị FIV kéo dài tuổi thọ bằng cách ngăn không cho mèo biểu hiện các triệu chứng bệnh.

Nếu triệu chứng bệnh xuất hiện, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc để điều trị các bệnh thứ phát do nhiễm trùng cơ hội gây ra, kết hợp truyền dịch, dùng thuốc hỗ trợ và chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường hệ miễn dịch giúp mèo khống chế bệnh.

Mèo bị FIV không thể lây nhiễm cho con người. Chúng chỉ có thể truyền bệnh cho một chú mèo khác. Vì vậy, bạn có thể yên tâm chăm sóc mèo bị bệnh FIV và chú ý không để mèo lây bệnh cho thú cưng khác trong gia đình.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0902 770 777