Mèo bị sổ mũi, hắt xì liên tục: Dấu hiệu “Ủ Bệnh” Viêm Hô hấp

Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo khá phổ biến với các triệu chứng như sổ mũi, hắt xì, ho sốt, chán ăn… Vậy làm sao để phòng ngừa và điều trị?


Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên thường phổ biến ở mọi chú mèo. Đây là căn bệnh dạng ủ bệnh với các dấu hiệu như ho sốt, sổ mũi, chán ăn, nôn ói, chảy dịch ở mắt, mũi, v..v… Hơn nữa, đây là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh chóng.

Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến viêm phổi hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác. Tuy nhiên, không phải lúc nào mèo bị sổ mũi, hắt xì liên tục cũng là triệu chứng của bệnh viêm hô hấp. Hãy cùng VuiPet tìm hiểu rõ hơn ở bài viết bên dưới nhé!

1. Vì sao mèo bị sổ mũi, hay hắt xì, chảy nước mũi và ho khạc liên tục?
Theo các nhà khoa học phương Tây, đôi khi mèo hắt xì là dấu hiệu của… trời sắp mưa, sen nên mang ô khi ra đường
Theo các nhà khoa học phương Tây, đôi khi mèo hắt xì là dấu hiệu của… trời sắp mưa, sen nên mang ô khi ra đường

Mèo bị sổ mũi liên tục, hắt xì, ho khạc kéo dài, chảy nước mũi và dịch mắt là những biểu hiện bất thường thể hiện sự kích ứng, tác động không tốt từ môi trường đến cơ thể của mèo. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ những điều sau:

1.1. Thời tiết, môi trường sống thay đổi

Mèo là loài thú cưng “đỏng đảnh” nhất nhì bảng xếp hạng, do chỉ cần một sự thay đổi nhỏ hay đột ngột về thời tiết, môi trường sống cũng đủ để em ấy phản ứng ngay lập tức. Đặc biệt khi môi trường có độ ẩm cao là cơ hội cho nhiều loại vi khuẩn tích tụ, dễ dàng xâm nhập vào cơ thể khiến bé nhiễm bệnh kèm với sổ mũi, hắt xì liên tục.

1.2. Mèo bị viêm hô hấp, viêm mũi, viêm phổi

Ngoài việc mèo bị sổ mũi, hắt xì liên tục, nếu bé có thêm một số dấu hiệu khác như bỏ ăn, chán ăn, lờ đờ, nôn ói, mèo hay nheo mắt, dụi mắt, mèo bị chảy nước mũi, chảy dịch mắt, chảy dãi, mèo bị sốt, v..v… thì rất có thể đó là biểu hiện của mèo bị viêm hô hấp hoặc các bệnh lý nguy hiểm.

Nếu bạn đã cố gắng dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, giữ ấm cho cơ thể của bé và chăm sóc kỹ càng hơn nhưng các triệu chứng không thuyên giảm, hãy nhanh chóng đưa bé đến bác sĩ thú y để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời nhé. Vì rất có thể bé đã mắc phải bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo, cần được xử lý triệt để trước khi trở nặng và tránh lây nhiễm đến các “anh chị em” khác cùng nhà.

1.3. Các nguyên nhân thường gặp khác
  • Khí độc, có vật lạ chui vào mũi.
  • Bé mèo sở hữu chiếc mũi quá mẫn cảm dẫn đến khó thích ứng với môi trường sống mới, cần thêm thời gian để thích nghi hơn những bạn khác.
  • Mèo bị dị ứng với sữa tắm mới hoặc không được sấy khô hoàn toàn sau khi tắm.
2. Mèo bị sổ mũi, hắt xì liên tục do nhiễm trùng đường hô hấp trên
Mèo Ba Tư có khả năng cao bị nhiễm trùng đường hô hấp trên do cấu trúc khuôn mặt
Mèo Ba Tư có khả năng cao bị nhiễm trùng đường hô hấp trên do cấu trúc khuôn mặt
2.1. Yếu tố tác động gây bệnh và những điều bạn cần biết

Nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo là một căn bệnh thường gặp, tương tự như bệnh cảm lạnh, tuy nhiên các dấu hiệu nghiêm trọng hơn nhiều, thường do các loại vi rút hoặc vi khuẩn khác nhau gây ra. Bệnh sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đường hô hấp trên của mèo như: mũi, họng và xoang – chứ không phải phổi mèo.

Nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo là căn bệnh truyền nhiễm và dễ lây lan, nên nó thường xảy ra với những con mèo sống trong điều kiện đông đúc, chật hẹp như trạm cứu hộ động vật hoặc các trại mèo. Với những gia đình nuôi nhiều mèo, mèo cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên cao hơn.

Cần chú ý một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp ở mèo bao gồm:

  • Giống mèo: Mèo Ba Tư hoặc các chú mèo có gương mặt ngắn, phẳng thường có nhiều khả năng bị nhiễm trùng đường hô hấp trên hơn so với các giống mèo khác bởi đặc trưng cấu trúc khuôn mặt.
  • Tuổi tác: Mèo con với sức đề kháng còn non nớt hoặc mèo lớn tuổi bị suy giảm chức năng miễn dịch đều dễ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên.
  • Tình trạng tinh thần: Mèo bị stress, căng thẳng thường xuyên dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên và tăng cao khả năng tái nhiễm sau này.
  • Tình trạng chăm sóc y tế: Không thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ và tiêm ngừa đầy đủ sẽ làm tăng khả năng bị nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo và khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.
  • Tình trạng thể chất riêng: Những con mèo đang mắc phải một số bệnh nguy hiểm khác như giảm bạch cầu, suy giảm hệ miễn dịch… hoặc trong thời gian sử dụng thuốc ức chế miễn dịch đều có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên.
  • Tần suất ra ngoài: Mèo thường xuyên được ra ngoài cũng tăng nguy cơ bị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên điều kiện môi trường không đảm bảo.

Spa cho mèo tại VuiPet – nơi cung cấp dịch vụ tắm cho mèo, tỉa lông mèo chuyên nghiệp TP.HCM

2.2. Nguyên nhân khiến mèo bị nhiễm trùng, viêm đường hô hấp
Đến 89 – 90% mèo bị nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus
Đến 89 – 90% mèo bị nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus

Cho đến hiện nay, vi rút là nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo. Theo một số nghiên cứu, khoảng 80 – 90% mèo bị nhiễm trùng đường hô hấp trên là do vi rút. Chỉ một số ít phần trăm còn lại là do vi khuẩn gây bệnh.

Một số thủ phạm phổ biến (bao gồm cả vi rút và vi khuẩn) gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo có thể kể đến như:

  • Herpesvirus: Đây là loại vi rút có khả năng lây lan cao giữa các cá thể mèo qua sự tiếp xúc trực tiếp. Ngoài ra, vi rút Herpes có thể tồn tại suốt đời trong cơ thể mèo dưới dạng tiềm ẩn trong các tế bào thần kinh. Khi mèo bị nhiễm trùng đường hô hấp trên do Herpesvirus, dấu hiệu của bệnh cũng xuất hiện trên da một thời gian dài và khá nghiêm trọng: loét và sưng tấy trên da (gồm các vùng mũi, miệng, chân trước…), đau mắt đỏ…
  • Calicivirus: Calicivirus gây ra nhiều triệu chứng trên mèo như sổ mũi, hắt hơi, viêm kết mạc, loét lưỡi, sốt, bỏ ăn… Đây là loại vi rút rất dễ lây và gây ra các nhiễm trùng về đường hô hấp cũng như bệnh răng miệng ở mèo. Mèo dễ dàng nhiễm vi rút nếu tiếp xúc với các chất dịch, giọt bắn trong không khí…
  • Chlamydia: Thông thường, vi sinh nội bào Chlamydia thường gây các bệnh về mắt ở mèo, tuy rằng dấu hiệu bệnh xuất hiện rất ít, khó nhận thấy. Điều này dễ khiến người nuôi không thể phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Mèo bị nhiễm trùng đường hô hấp trên do vi rút Chlamydia bởi tiếp xúc trực tiếp với mèo bệnh. Dấu hiệu bệnh nặng bao gồm chảy nhiều nước mắt, mắt đỏ, mắt có dịch nhầy, viêm kết mạc…
  • Bordetella: Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo gây ra bởi vi khuẩn này thường do điều kiện sống không tốt (chật hẹp, đông đúc…) hoặc các trạng thái tinh thần tiêu cực như mèo bị căng thẳng, lo lắng, sợ sệt…
  • Nấm mốc: Nấm mốc (Aspergillus) cũng có thể gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo hoặc bệnh viêm phổi. Trên thực tế, đây là một loại nhiễm trùng cơ hội. Nấm mốc có thể xuất hiện khắp nơi kể cả môi trường trong nhà lẫn ngoài trời (phân chim, thức ăn hoặc thực vật mục nát…)

Vi rút gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo được tìm thấy trong nước dãi, nước mắt và dịch tiết từ mũi của mèo bị bệnh. Mèo bị nhiễm trùng đường hô hấp trên dễ dàng lây bệnh cho nhau qua sự tiếp xúc trực tiếp, chẳng hạn như mèo ôm ấp hoặc quấn lấy nhau, liếm lông cho nhau, ho hoặc hắt hơi vào nhau…

Ngoài ra, vi rút vẫn tồn tại ngoài môi trường, trên các bề mặt mèo sử dụng chung như ổ nằm, bát đựng thức ăn và nước uống, nhà vệ sinh, đồ chơi… Do đó, cần chú ý rằng chủ nuôi cũng có thể làm lây truyền bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên từ mèo này sang mèo khác bằng tay hoặc quần áo bị nhiễm vi rút.

Hầu hết, những con mèo bị nhiễm trùng đường hô hấp trên do Herpesvirus sẽ mang vi rút trong cơ thể suốt phần đời còn lại. Chúng có thể lây lan cho những con mèo khác ngay cả khi đã chữa khỏi các dấu hiệu của bệnh hoặc khi không có bất cứ triệu chứng nào. Điều này bao gồm một con mèo mẹ mang vi rút nhiễm trùng đường hô hấp trên – không có triệu chứng và lây bệnh cho lứa mèo con của nó.

2.3. Dấu hiệu nhận biết mèo bị viêm nhiễm đường hô hấp
Mèo bị nhiễm trùng đường hô hấp trên sẽ xuất hiện dịch tiết ở mắt hoặc mũi 
Mèo bị nhiễm trùng đường hô hấp trên sẽ xuất hiện dịch tiết ở mắt hoặc mũi

Mèo bị nhiễm trùng đường hô hấp trên có rất nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân và khu vực nhiễm trùng. Các triệu chứng cũng tương đồng với rất nhiều bệnh lý thường gặp khác. Tuy nhiên, vẫn nên chú ý một số dấu hiệu phổ biến của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo, bao gồm:

  • Hắt xì
  • Nghẹt mũi
  • Sổ mũi
  • Ho
  • Xuất hiện dịch mũi hoặc dịch mắt (nước mắt) từ trong suốt đến có màu
  • Hay nheo mắt hoặc dụi mắt
  • Bị loét mũi, miệng
  • Tiếng kêu khàn hơn
  • Chảy nước dãi
  • Nôn
  • Sốt
  • Chán ăn hoặc bỏ ăn

Một số dấu hiệu nghiêm trọng và ít gặp hơn khi mèo bị nhiễm trùng đường hô hấp trên có thể kể đến là chứng trầm cảm hoặc hôn mê.

2.4. Cách chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp ở mèo
Bác sĩ thú y cho bạn biết phác đồ điều trị bệnh tốt và phù hợp nhất
Bác sĩ thú y cho bạn biết phác đồ điều trị bệnh tốt và phù hợp nhất

2.4.1. Chẩn đoán dấu hiệu ủ bệnh

Bạn không thể tự chẩn đoán bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo. Đưa mèo đến ngay cơ sở thú y nếu bạn nghi ngờ mèo bị nhiễm trùng đường hô hấp trên. Nên ghi chú lại các triệu chứng bạn đã nhận thấy để nói chi tiết với bác sĩ.

Bác sĩ thú y có thể đề xuất một số xét nghiệm để tìm ra kết quả chính xác như: xét nghiệm máu, xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR), chụp X – quang phổi, xét nghiệm dịch từ mắt hoặc miệng mèo…

2.4.2. Cách điều trị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên

Hiện nay, chưa có loại thuốc kháng vi rút cụ thể đặc trị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo. Tuy nhiên, các bác sĩ thú y có thể cho bạn biết liệu trình tốt nhất để chữa bệnh cho mèo của bạn. Những cách phù hợp nhất bao gồm:

  • Sử dụng thuốc điều trị theo triệu chứng
  • Cách ly mèo cưng với các vật nuôi khác tránh lây lan
  • Cho mèo nghỉ ngơi hợp lý
  • Hỗ trợ truyền dịch
  • Tăng cường dinh dưỡng cho mèo bằng chế độ ăn phù hợp hoặc thực phẩm chức năng, thuốc…

Trong trường hợp mèo đã hồi phục và có thể tĩnh dưỡng tại nhà theo chỉ định của bác sĩ, bạn có thể thực hiện một số điều sau đây để mèo bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên cảm thấy dễ chịu hơn:

  • Để mèo cách ly với các thú cưng khác trong nhà. Cung cấp cho mèo một nơi yên tĩnh, riêng tư để nghỉ ngơi.
  • Khuyến khích mèo ăn thường xuyên. Thông thường, mèo bị nhiễm trùng đường hô hấp trên sẽ bị mất đi khứu giác, vì vậy bạn phải động viên hoặc “dụ dỗ” mèo ăn bằng các loại thức ăn nặng mùi: soup thưởng mùi cá, pate cá, gel dinh dưỡng vị cá, cá hấp…
  • Luôn chú ý lau sạch các dịch tiết ở mắt hoặc mũi mèo.
  • Nếu cần thiết, dùng khăn mềm thấm nước ấm lau nhanh toàn bộ cơ thể mèo và sấy thật khô. Đôi khi, bộ lông không sạch sẽ do bị dính các dịch tiết, chất nhầy có thể làm mèo khó chịu.

Trong bất kì trường hợp nào bạn cho mèo bị nhiễm trùng đường hô hấp trên sử dụng thuốc tại nhà, cần dùng chính xác loại thuốc bác sĩ thú y chỉ dẫn.

Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nếu để lâu, bệnh có thể chuyển thành viêm phổi hoặc một số biến chứng nguy hiểm khác: các vấn đề về hô hấp mãn tính, thậm chí gây mất khứu giác vĩnh viễn, mù lòa…

2.5. Cách ngăn ngừa các bệnh về hô hấp cho mèo
Thăm khám y tế và tiêm phòng định kỳ là cách phòng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo hiệu quả nhất
Thăm khám y tế và tiêm phòng định kỳ là cách phòng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo hiệu quả nhất

Tương tự như các bệnh lý khác, bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo cũng dễ dàng phòng ngừa hơn là chữa trị. Một số cách phòng bệnh hiệu quả như sau:

  • Giữ mèo trong nhà để đảm bảo môi trường sống trong lành và hạn chế tiếp xúc với các vật nuôi, động vật hoang dã mang mầm bệnh.
  • Giảm bớt căng thẳng cho mèo bằng cách dành thời gian chơi đùa, giải trí với chúng nhiều nhất có thể. Có thể cân nhắc nuôi hai chú mèo để chúng có bạn chơi với nhau.
  • Đảm bảo tiêm ngừa vaccine cho mèo định kỳ theo lịch. Thuốc ngừa bệnh có thể không ngăn hoàn toàn mèo bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, nhưng có thể giúp cho bệnh ít nghiêm trọng hơn.
  • Thường xuyên chăm sóc và kiểm tra y tế cho mèo có thể giúp phát hiện bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên sớm nhất và điều trị kịp thời.
  • Cung cấp cho mèo một chế độ dinh dưỡng khoa học. Không gì phòng bệnh tốt hơn một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
  • Cách ly tuyệt đối mèo mắc bệnh để đảm bảo sức khỏe cho các vật nuôi khác trong nhà.
  • Thường xuyên sát khuẩn môi trường sống, rửa tay khi tiếp xúc với nhiều chú mèo khác nhau để tránh mầm bệnh lây lan.
3. Các câu hỏi thường gặp

Trước tiên bạn cần theo dõi và vệ sinh sạch sẽ không gian sống cũng như vệ sinh mũi cho mèo. Thức ăn cho bé cũng cần chú ý xem có bị quá hạn sử dụng, ẩm mốc đi hay không. Để tăng sức đề kháng, bạn nên cho bé dùng thêm các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung như sữa cho mèo – vitamin để hệ miễn dịch của bé khỏe mạnh hơn, chống lại các vi khuẩn gây bệnh.

Ngoài ra bạn cũng nên lưu ý lựa chọn các dòng sữa tắm chuyên dụng với mùi hương nhẹ nhàng, thành phần thân thiện với bé mèo để tránh gây kích ứng. Nếu sau vài ngày triệu chứng vẫn không hết mà kèm theo bé bị chán ăn, bỏ ăn, nôn ói hoặc sốt cao, hãy đưa bé đến ngay bác sĩ thú ý để có biện pháp điều trị kịp thời và dứt điểm.

Nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo là bệnh truyền nhiễm lây lan qua các tiếp xúc thông thường giữa những cá thể mèo, bao gồm: liếm lông cho nhau, ôm ấp nhau, sử dụng chung bát ăn và nước uống, sử dụng chung nhà vệ sinh, ổ nằm, lược chải lông hoặc đồ chơi…

Cách dịch tiết từ mắt, mũi, miệng của mèo bị nhiễm bệnh dây vào đồ dùng hoặc dính trực tiếp lên cơ thể một con mèo khỏe mạnh (do ho, hắt hơi..) khiến vi rút nhanh chóng lây lan.

Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo không lây cho người. Tuy nhiên, cần rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với mèo bị nhiễm bệnh, bởi vi rút từ mèo bệnh có thể bám vào tay người và lây nhiễm cho những con mèo khỏe mạnh khác.

Thông thường, mèo bị nhiễm vi rút gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên sẽ phát tác các triệu chứng từ 1 – 4 tuần sau đó. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất trong giai đoạn này là mèo trở nên ủ rũ, chán ăn vì chúng không thể ngửi thấy mùi đồ ăn – thứ kích thích vị giác của mèo do bị mất khứu giác.

Nếu mèo có triệu chứng chán ăn hoặc bỏ ăn, cần đưa mèo đến ngay cơ sở thú y để nhanh chóng tìm ra nguyên nhân.

Loại vaccine cơ bản phòng 4 bệnh cho mèo đã bao gồm ngừa bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên. Bởi đã có đến 3 trong số 4 bệnh được chủng ngừa trong vaccine liên quan đến đường hô hấp của mèo, bao gồm:

  • Bệnh FCV (Feline Calicici Virus) do Calicivirus gây ra
  • Bệnh viêm mũi khí quản ở mèo – FRV (Feline Rhinotrachetis Virus) do Herpesvirus gây ra
  • Bệnh viêm nhiễm mắt trên mèo do Chlamydia gây ra

Vì vậy, nên tiêm phòng mũi vaccine ngừa 4 bệnh ngay khi mèo được 60 ngày tuổi và tiêm nhắc lại theo lịch. Việc này không chỉ giúp phòng ngừa bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên ở mèo do vi rút gây ra mà còn giúp ngăn chặn hiệu quả các bệnh nguy hiểm khác.

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0902 770 777