Giống Chó Lạp Xưởng (Dachshund): A-Z Đặc điểm – Giá – Cách nuôi

Chó Lạp xưởng hay chó xúc xích có gì đặc biệt? Tất tần tật về đặc điểm – cách nuôi và giá chó Lạp xưởng chi tiết nhất.


“Trông nó ngộ ghê, vừa lùn vừa dài”, “giống chó chân ngắn lưng dài”, “chó dài dài tròn tròn như cây xúc xích”, là những mô tả về giống chó Lạp xưởng. Trong bài viết này, hãy cùng VuiPet tìm hiểu về giống chó Lạp xưởng nhé! Biết đâu bạn sẽ phải lòng những chú chó xúc xích này đấy.

1.  Nguồn gốc chó Lạp xưởng

Chó Lạp xưởng, hay còn gọi là Teckel, là một giống chó săn nhỏ xuất hiện lần đầu ở Đức vào thế kỷ 15. Đến năm 1885, American Kennel Club (AKC – tổ chức nhân giống chó thuần chủng lâu đời và uy tín nhất nước Mỹ) đã bắt đầu nhân giống chó Lạp xưởng. Sau khi “di cư” từ Đức sang Mỹ, chó Lạp xưởng có tên mới là chó Dachshund và bắt đầu trở thành giống chó phổ biến ở Mỹ. Cái tên chó Dachshund cũng dần thay thế tên gọi Teckel từ đó.

Chưa có bất kỳ nghiên cứu hay báo cáo nào về thời điểm giống chó Lạp xưởng du nhập vào Việt Nam. Ngoài tên gọi chó Lạp xưởng, những chú chó này còn được gọi là chó xúc xích.

2. Đặc điểm của chó Lạp xưởng

2.1. Ngoại hình của giống chó Lạp xưởng

Những chú chó Lạp xưởng đáng yêu

Chiều cao, cân nặng của chó Lạp xưởng

Có 2 loại chó Lạp xưởng được AKC công nhận là thuần chủng. Ngoại hình (chiều cao, cân nặng) của 2 giống chó Lạp xưởng này có sự chênh lệch khá lớn, cụ thể như sau:

  • Chó Lạp xưởng tiêu chuẩn (Standard Dachshund): Đây là giống chó Lạp xưởng thuần chủng, chiều cao từ 30-35 cm và cân nặng từ 9-15 kg ở tuổi trưởng thành.

  • Chó Lạp xưởng mini (Miniature Dachshund): Đây là giống chó được lai tạo giữa chó Lạp xưởng thuần chủng với dòng chó Spaniel của Đức, chiều cao từ 20-25 cm, cân nặng từ 4-5 kg ở tuổi trưởng thành.

Ngoài ra, chó Lạp xưởng còn có kích thước khác là “Kaninchen” hay còn gọi là chó Lạp xưởng đồ chơi (Toy Dachshund) với kích thước dưới 3.5kg. Tuy nhiên, đây là kích thước không được các hiệp hội chó cảnh công nhận chính thức.

Dù chiều cao và cân nặng có sự chênh lệch ở từng dòng chó, nhưng những chú chó Lạp xưởng ở bất kỳ kích thước nào vẫn giữ nguyên được nét đặc trưng về ngoại hình, đặc điểm lông và cả tính cách. 

Đặc điểm bộ lông của chó Lạp xưởng

Các nhóm lông của chó Lạp xưởng

Có thể xếp chó Lạp xưởng thành 3 loại dựa trên chất lông và độ dài lông: 

  • Chó Lạp xưởng lông mượt (smooth haired): Lông ngắn và mượt.
  • Chó Lạp xưởng lông dài (Long haired): Lông dài, mượt và thẳng. Phần lông tai có thể xoăn sóng nhẹ so với phần lông toàn cơ thể.
  • Chó Lạp xưởng lông cứng (wire haired): Lông ngắn, phần chân lông to cứng và thuôn nhọn dần về phía đầu lông, cấu tạo giống như râu chó. Lông của chó Lạp xưởng lông cứng sẽ dài hơn lông chó Lạp xưởng lông mượt, và ngắn hơn lông chó Lạp xưởng lông dài.

Màu lông chó Lạp xưởng

Về màu lông, chó Lạp xưởng có màu đơn sắc hoặc đa sắc (kết hợp nhiều màu lông khác nhau). 

Các màu lông thường gặp của của Lạp xưởng

Tuy nhiên, chỉ có 6 màu lông được công nhận là đúng tiêu chuẩn giống của chó Lạp xưởng. Bao gồm: 

  • Màu đỏ (Red): Có thể có lẫn các sợi lông đen.

  • Màu đen (Black) hoặc màu socola (Chocolate): Rất hiếm có chó Lạp xưởng màu đen tuyền mà trên cơ thể sẽ có các đốm màu nâu vàng. Màu lông này còn được gọi là Black-Tan hay Chocolate-Tan. 

  • Màu đốm (Dapple): Kết hợp giữa mảng màu lông sáng và mảng màu lông tối với tỉ lệ tương đương nhau, không có màu nào chiếm ưu thế.

  • Màu kem đậm hoặc nhạt (fawn hoặc cream): Các sợi lông đen xen kẽ có thể được chấp nhận. 

  • Màu đen và màu kem hoặc Màu socola và kem (Black/Chocolate and Cream): Màu kem càng rõ càng tốt và được phân bố ở các vị trí trên cơ thể.

  • Màu vằn (Brindle): Các sợi lông đen tạo thành các vệt sọc. 

  • Màu không chấp nhận: Double Dapple, Isabella, Blue. Những màu do các nhà nhân giống liên tục lai tạo một gen lặn, làm pha loãng màu. Gây ra các vấn đề sức khỏe di truyền như rụng lông do pha loãng màu và mù lòa.

Ở Việt Nam, nhiều người nuôi chó yêu thích và tìm kiếm chó Lạp xưởng màu đen tuyền hay chó Lạp xưởng màu loang. Chó Lạp xưởng màu loang để chỉ cho những chú chó Lạp xưởng có màu lông loang lổ, kết hợp nhiều màu thành các mảng màu lông lớn nhỏ. 

Màu mắt chó Lạp xưởng

So với các giống chó khác, chó Lạp xưởng thường có màu mắt nâu hoặc đen. Tuy nhiên, cũng không ít chú chó Lạp xưởng có đôi mắt màu xanh hoặc một bên mắt xanh, một bên mắt nâu/mắt đen. 

Chó Lạp xưởng mắt xanh

>> Xem thêm: Các giống chó mắt xanh ấn tượng

2.2. Đặc điểm tính cách của chó Lạp xưởng
Đam mê săn mồi

Có tổ tiên là giống chó săn nên cũng không mấy bất ngờ khi chó Lạp xưởng có sở thích săn mồi. 

Những chú chó xúc xích này có thể giúp bạn bắt chuột, diệt gián. Chúng cũng thích đuổi ruồi, bắt muỗi dù không mấy khi thành công với nhiệm vụ này. Đặc biệt, bạn cần nâng cao cảnh giác nếu gia đình vừa nuôi chó Lạp xưởng, vừa nuôi gà hoặc nuôi vịt. Chỉ cần sơ xảy không để ý một chút thôi, đàn gia cầm của bạn có thể giảm sĩ số luôn được đấy.

Lạp xưởng đam mê săn mồi

Nghiện ngủ khi chỉ có một mình

Nếu không có đồng loại để chơi cùng, cũng chẳng có “sen” ở cạnh để quấn lấy, những chú chó Lạp xưởng sẽ vắt lưỡi ngủ khì cả ngày. Nhưng chỉ cần bạn về tới nhà, chúng sẽ ngay Lạp tức bật mood tăng động, nhảy chồm chồm hoặc sủa inh ỏi cho tới khi bạn chịu vuốt ve và chơi đùa với chúng thì thôi.

Chúng rất nghiện ngủ

Khả năng diễn xuất thần sầu

Chó Lạp xưởng được AKC đánh giá là giống chó tình cảm và có độ trung thành cao. Có lẽ chính bởi thế mà chỉ cần “sen” nặng lời hay buông một câu mắng mỏ, những chú chó xúc xích này sẽ ngay lập tức thể hiện khả năng diễn xuất thần sầu. 

Chúng trưng ra vẻ mặt đáng thương, trán nhăn lại, mắt rưng rưng, khóc i ỉ và lấy tay khều chủ. Làm vậy mà “sen” vẫn tiếp tục nặng lời, chúng sẽ thoát vai làm nũng, tìm chỗ trốn đến khi nào “sen” xin lỗi và nài nỉ gọi ra mới thôi.

Bạn của mọi nhà

Có lẽ chó Lạp xưởng là một trong những giống chó hướng ngoại bậc nhất. Những chú chó lưng dài chân ngắn này không “kén bạn”, dù đó là chó, mèo, trẻ em hay những người lạ tới nhà. Chỉ cần cảm thấy an toàn trong khoảng chừng 30 giây đầu quan sát và tiếp xúc với đối tượng mới, chó Lạp xưởng sẽ ngay Lạp tức bật chế độ kết thân.

Đây là giống chó rất thân thiện với con người, bám chủ

Thông minh và khá bướng

Dạy chó Lạp xưởng đi vệ sinh đúng chỗ và các lệnh cơ bản như bắt tay, nằm, ngồi, chờ ăn,… không hề khó. Chúng có thể tiếp thu và ghi nhớ trong khoảng 3-5 ngày được dạy nhưng sau đó, chúng có chịu nghe lời và làm theo những gì được dạy hay không thì còn… tùy hứng. Thích thì làm thì nghe, không thì kệ “sen” nha! Vậy đó.

Các sen dễ dàng training cho các giống chó Lạp xưởng

Ăn cả thế giới

Kén ăn dường như là từ không bao giờ có trong từ điển của chó Lạp xưởng. Nếu không bị ốm hoặc cảm thấy mỏi mệt, hiếm khi nào chó Lạp xưởng từ chối bữa ăn mà “sen” chuẩn bị.

3. Chó Lạp xưởng phù hợp với những người như thế nào?

Từ những sở thích và đặc điểm tính cách nổi bật của chó Lạp xưởng mà VuiPet đã liệt kê phía trên, không khó để nhận ra những chú chó xúc xích này phù hợp với gần như tất cả các đối tượng chủ vật nuôi:

  • “Sen” bận rộn đi làm cả ngày: Không sao, chó Lạp xưởng rất “enjoy” việc ngủ.
  • “Sen” không có nhà rộng: Không thành vấn đề vì chó Lạp xưởng chỉ cần một chỗ để ngủ thôi mà! 
  • “Sen” chưa dư dả tài chính: Cũng không thành vấn đề nốt! Chó Lạp xưởng thuần chủng hoặc lai tạo theo tiêu chuẩn ở Việt Nam có giá “đón tay” khoảng 3-5 triệu đồng. Bên cạnh đó, sức khỏe của giống chó lưng dài chân ngắn này cũng khá ổn định, hiếm khi ốm vặt nếu được tiêm đủ các mũi phòng bệnh kết hợp với điều kiện sinh sống ổn định. Nếu nuôi chó Lạp xưởng lông ngắn, “sen” còn chẳng tốn tiền spa cho các boss chó lưng dài chân ngắn này nữa cơ!
  • “Sen” đang có con nhỏ hoặc đang nuôi các bạn thú cưng khác: Càng không phải là vấn đề gì to tát, vì chó Lạp xưởng là “bạn của mọi nhà” mà!

Lạp xưởng hầu như phù hợp với tất cả đối tượng

4. Giá chó Lạp xưởng bao nhiêu? 

Tùy vào màu lông, nguồn gốc mà giá chó Lạp xưởng có thể dao động trong 3 khoảng dưới đây:

  • 1-2 triệu đồng: Chó Lạp xưởng được phối giống, sinh sản tại Việt Nam; thường không phải là chó Lạp xưởng thuần chủng hoặc chó Lạp xưởng lai tạo theo tiêu chuẩn.
  • 3-5 triệu đồng: Chó Lạp xưởng thuần chủng hoặc được lai tạo theo tiêu chuẩn, được phối giống và sinh sản tại Việt Nam.
  • 12 – 15 triệu đồng: Chó Lạp xưởng nhập khẩu từ Châu Âu có nguồn gốc và nguồn gen rõ ràng (giấy khai sinh, thông tin chó bố và chó mẹ rõ ràng theo tiêu chuẩn của AKC).
  • 20-25 triệu đồng: Chó Lạp xưởng nhập khẩu từ Đức với độ thuần chủng cao nhất.
Lưu ý khi mua chó Lạp xưởng

Để đón được một chú chó Lạp xưởng khỏe mạnh, bạn cần đặc biệt lưu ý 3 điều dưới đây:

  • Không nên đón chó Lạp xưởng khi chúng còn quá non (dưới 2 tháng tuổi). Đón 1 chú chó non dưới 2 tháng tuổi, rủi ro bé ốm hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm như Parvo, Care là khá cao vì bé chưa đủ tháng để được tiêm mũi phòng bệnh. Ngoài ra, chó con dưới 3 tháng tuổi cũng cần chế độ dinh dưỡng riêng, không nên “tiện gì thì cho ăn nấy” vì như vậy bé dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa.
  • Bắt buộc phải yêu cầu người bán cung cấp sổ tiêm của bé: Mua chó nói chung và chó Lạp xưởng nói riêng ở nơi uy tín, các bé sẽ được tiêm ít nhất 1 mũi phòng 5 bệnh và 1 mũi phòng 7 bệnh trước khi về nhà mới. Vì thế, “sen” hãy thận trọng nếu người bán không cung cấp được sổ tiêm của bé nhé!
  • Tìm điểm bán chó Lạp xưởng uy tín: Có 3 yếu tố để đánh giá 1 điểm bán chó có uy tín hay không. Đầu tiên, không bán chó dưới 2 tháng tuổi cho khách. Thứ hai, mỗi bé đều có 1 sổ tiêm riêng. Thứ ba, chế độ bảo hành, hỗ trợ cho khách hàng.

Nếu bạn đang muốn đón 1 bé chó xúc xích mà vẫn còn băn khoăn chưa biết nên tới đâu để tìm được 1 bé Lạp xưởng khỏe mạnh, đừng ngại liên hệ với VuiPet để được hỗ trợ nhé!

5. Cách nuôi chó Lạp xưởng: Chế độ dinh dưỡng, vận động

5.1. Chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho chó Lạp xưởng

Cũng giống như con người, chế độ dinh dưỡng cho chó Lạp xưởng được phân loại theo độ tuổi của bé. Mỗi giai đoạn, chú chó lưng dài chân ngắn này sẽ cần một chế độ dinh dưỡng khác nhau.

  • Chó Lạp xưởng sơ sinh đến dưới 1 – 2 tháng tuổi:

Trong khoảng thời gian này, để bé bú sữa mẹ hoàn toàn là tốt nhất cho việc hoàn thiện hệ tiêu hóa và quá trình mọc răng sữa. Tuy nhiên, nếu chó mẹ ít sữa/không có sữa, bạn có thể mua bình sữa và sữa dê/sữa chuyên dùng cho chó sơ sinh để cho bé bú. 

Lưu ý: Tuyệt đối không cho chó uống sữa bò hay sữa của người nói chung.

  • Chó Lạp xưởng từ 3 – 5 tháng tuổi:

Lúc này, bé đã có thể ăn được cháo loãng và thịt xay. Bạn có thể cho bé ăn 3-4 bữa cháo loãng/ngày. 

Lưu ý: Không nên cho bé ăn nhiều thịt trong khoảng thời gian này vì đường ruột và hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, có thể gây tiêu chảy.

  • Chó Lạp xưởng từ 6 tháng đến 1 tuổi:

Hệ tiêu hóa của chó Lạp xưởng lúc này đã hoàn thiện gần như hoàn toàn. Đây cũng là giai đoạn cần tăng cường chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, ưu tiên bổ sung Protein và Canxi để bé mau lớn.

Bạn có thể cho chó Lạp xưởng ăn cơm hoặc ăn hạt (loại hạt dành cho Puppy – chó con), kết hợp với nội tạng động vật/thịt đã nấu chín. Ngoài ra, mỗi tuần nên cho bé ăn 1 quả trứng vịt lộn để bổ sung canxi, giúp xương và răng chắc khỏe, đồng thời làm mượt lông.

2 bữa ăn/ngày là phù hợp với chó Lạp xưởng nói riêng và chó nói chung trong độ tuổi này. Một bữa sáng, một bữa tối, ngoài ra bạn có thể cho bé ăn thêm snack (xương canxi, xương da bò, bánh thưởng,…) trong bữa phụ hoặc khi huấn luyện các lệnh cơ bản.

  • Chó Lạp xưởng từ 1 tuổi trở lên:

Chó 1 tuổi đã có thể coi là chó trưởng thành. Bởi vậy lúc này, bạn có thể vẫn cho bé ăn 1 bữa/ngày. Tuy nhiên, phải đảm bảo cân bằng dinh dưỡng và lượng thức ăn. Một bữa ăn của chó Lạp xưởng trên 1 tuổi cần có đủ các nhóm chất theo định lượng giảm dần: Chất xơ (rau xanh), Protein (thịt, pate) và Tinh bột (cơm, hạt). 

5.2. Chế độ vận động

Vì là giống chó săn nên cũng không thể bỏ qua chế độ vận động khi nuôi chó Lạp xưởng. Mỗi ngày, bạn nên cho các bé chó lưng dài chân ngắn này đi dạo, chạy bộ 30-40 phút. Việc này giúp chúng xả năng lượng, bớt cắn phá đồ đạc trong gia đình trong khoảng thời gian “thay răng, ngứa lợi”.

Sen nên đưa các bé Lạp xưởng đi dạo mỗi ngày

Ngoài ra, việc duy trì chế độ vận động đều đặn hàng ngày kết hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp theo lứa tuổi cũng sức khỏe của chó Lạp xưởng dẻo dai hơn, hạn chế bị béo phì.

5.3. Các bệnh phổ biến mà chó Lạp xưởng dễ mắc phải

Dại, Care và Parvo là những căn bệnh nguy hiểm mà bất cứ giống chó nào cũng có khả năng mắc phải nếu không được tiêm phòng đầy đủ. Ngoài ra, nếu môi trường sống không đảm bảo vệ sinh, các bé chó nói chung cũng có thể mắc bệnh về da (nấm da, viêm da).

Ngoài những căn bệnh kể trên, dưới đây là 3 căn bệnh phổ biến mà giống chó Lạp xưởng dễ mắc phải.

Bệnh đĩa đệm

Là giống chó lưng dài chân ngắn, xương sống của chó Lạp xưởng phải chịu áp lực lớn trong quá trình di chuyển, đặc biệt là khi về già hoặc khi bé thừa cân. Việc này vô hình chung tạo áp lực lên tủy sống, gây thoát vị đĩa đệm khiến việc đi lại trở nên khó khăn. Trường hợp tệ nhất là bé bị liệt hoàn toàn nếu không được chữa trị kịp thời.

Để ngăn ngừa bệnh đĩa đệm ở chó Lạp xưởng, bạn cần đảm bảo bé có cân nặng phù hợp, không thừa cân và hạn chế cho bé leo cầu thang, cũng không nên cho bé/dạy bé đứng bằng 2 chân sau.

Trật xương bánh chè 

Chó Lạp xưởng có nhiều khả năng mắc phải tình trạng này hơn các giống chó khác do chân ngắn lưng dài, làm thay đổi góc xương bánh chè. Nếu bị trật xương bánh chè, bé cún của bạn có thể đi khập khiễng hoặc đi nhấc 1 chân – thường là chân đang bị trật xương.

Cách phòng ngừa tình trạng trật xương bánh chè ở chó Lạp xưởng cũng tương tự như cách phòng ngừa bệnh đĩa đệm: Đảm bảo bé có cân nặng phù hợp, không thừa cân và hạn chế cho bé leo cầu thang, cũng không nên cho bé/dạy bé đứng bằng 2 chân sau.

Chứng loạn sản xương hông

Tình trạng này là do khớp hông bị biến dạng, khiến xương đùi bị lệch khớp gây ra tình trạng 2 chân sau khập khiễng.

Khi nuôi chó Lạp xưởng, để giảm nguy cơ mắc chứng loạn sản xương hông, bạn cần duy trì chế độ dinh dưỡng ổn định, đủ chất và đủ lượng canxi. Tuyệt đối hạn chế cho chó Lạp xưởng leo cầu thang hoặc leo trèo, bật nhảy cao.

Các vấn đề về mắt

Chó Lạp xưởng có thể mắc các vấn đề về mắt bẩm sinh như khô mắt, teo võng mạc tiến triển (PRA) và đục thủy tinh thể. Tình trạng mắt nghiêm trọng nhất là PRA – một bệnh thoái hóa võng mạc có thể dẫn đến mù lòa, đặc biệt là khi chó đã già. Biểu hiện của các bệnh về mắt ở chó nói chung thường là mắt tiết nhiều rỉ/nghèn, mắt đục và các bé giảm khả năng nhìn xa/nhìn trong bóng tối. 

Các biện pháp phòng ngừa mà bạn có thể thực hiện để giảm tỷ lệ mắc bệnh về khi nuôi chó Lạp xưởng: Thường xuyên vệ sinh mắt cho bé bằng khăn lau mắt chuyên dụng dành cho thú cưng.

Béo phì

Với bản tính háu ăn, có thể ăn cả thế giới, chó Lạp xưởng rất dễ bị béo phì nếu bạn cho chúng ăn quá nhiều. Việc thừa cân ở giống chó lưng dài chân ngắn này là rất nguy hiểm, vì tình trạng béo phì là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh đĩa đệm, trật xương bánh chè và loạn sản xương hông. 

Bởi thế, việc duy trì chế độ ăn uống cân bằng, đủ dinh dưỡng kết hợp với chế độ vận động nhẹ nhàng chính điều bạn cần đặc biệt lưu tâm khi nuôi một chú chó Lạp xưởng.

Lạp xưởng bị béo phì

Đoạn kết

Là giống chó săn với tính cách tình cảm, hướng ngoại, cộng thêm giá “đón tay” khá êm ái và sức khỏe lẫn sức ăn đều rất tốt. Chó Lạp xưởng thực chất là giống chó dễ nuôi, không “kén chủ” cũng chẳng “kén môi trường sống”. Dẫu vậy, mỗi giống chó đều có một đặc tính và cần một chế độ chăm sóc riêng biệt, phù hợp để phát triển khỏe mạnh và đồng hành cùng chủ trong thời gian lâu nhất.

Trên đây là tất tần tật các kiến thức về giống chó Lạp xưởng mà VuiPet tin rằng sẽ rất bổ ích với những người đang nuôi hoặc có dự định nuôi giống chó lưng dài chân ngắn này. Đừng ngại liên hệ với VuiPet nếu bạn cần tư vấn mua chó Lạp xưởng hay có bất cứ thắc mắc nào cần giải đáp về giống chó lưng dài chân ngắn này nhé!

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0902 770 777