Để chăm sóc giống chó nhỏ như Chihuahua cần hiểu được đặc điểm tính cách, thói quen của chúng. Cùng tìm hiểu cách nuôi chó Chihuahua khoẻ mạnh, vui vẻ. Đồng thời cách huấn luyện chó Chihuahua như thế nào, cùng VuiPet tìm hiểu nhé.
Nội dung bài viết:
Đặc điểm nổi bật của giống chó Chihuahua
Môi trường sống và không gian sinh hoạt cho chó Chihuahua
Yêu cầu vệ sinh, chăm sóc ngoại hình cho chó Chihuahua
Chó Chuhuahua ăn gì? Chế độ dinh dưỡng cho chó Chihuahua
Các bệnh thường gặp ở chó Chihuahua
Chế độ luyện tập và huấn luyện cơ bản cho chó Chihuahua
Các câu hỏi thường gặp về chó Chihuahua
Đặc điểm nổi bật của giống chó Chihuahua
Chó Chihuahua hay còn gọi là Kiquaqua là giống chó có kích thước nhỏ với vẻ ngoài trông khá mỏng manh, nhút nhác. Đôi mặt tròn, to, lồi cùng với đôi tai to là những đặc điểm khác biệt của giống chó này. Tuy ngoại hình tí hon là thế, nhưng Chihuahua là giống chó có tính cách mạnh mẽ, tự tin thậm chí là hơi bướng bỉnh.
Chó Chihuahua – Kiquaqua có kích thước tí hon nhưng tính cách rất mạnh mẽ
Với tính cách thông minh và quyết liệt trung thành với những người chúng yêu thương, chúng luôn cố gắng tự vệ và có xu hướng xua đuổi những con chó lớn hơn hoặc những người lạ. Trung thành, tình cảm, Chihuahua là người bạn đồng hành tuyệt vời và khá phù hợp cho những người nuôi chó lần đầu.
Môi trường sống và không gian sinh hoạt cho chó Chihuahua
Vì thân hình nhỏ bé nên chihuahua không đòi hỏi quá nhiều về không gian sinh sống. Chúng có thể ở bất cứ đâu, dù là chung cư, căn hộ hay nhà ở.
Chihuahua có nền tảng sức khỏe tốt, thể trạng ổn định nên môi trường sống cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe của chúng. Tuy nhiên bạn vẫn phải nên nhớ giống chó này rất sợ lạnh, do đó hãy luôn mặc áo cho Chihuahua khi thời tiết trở lạnh hoặc trong phòng máy lạnh.
Chú ý giữ ấm cho chó Chihuahua nếu thời tiết lạnh
Yêu cầu vệ sinh, chăm sóc ngoại hình cho chó Chihuahua
Chó Chihuahua có bộ lông mịn và ngắn, nên nhu cầu chải chuốt cắt tỉa lông cũng không phức tạp như các giống chó khác. Tuy nhiên, đối với chó Chihuahua lông dài thì công việc này bạn cần chú trọng hơn, không cần cắt tỉa nhưng bạn phải thường xuyên chải chuốt để lông ít rụng và phát triển khoẻ.
Chó Chihuahua lông dài sẽ cần tốn thời gian để chải chuốt nhiều hơn
Khi chải chuốt cho Chihuahua nên kiểm tra các vấn đề khác thường trên da của Cún như u nhọt, hay ký sinh trùng, kiểm tra mắt của Cún có bị đỏ hoặc bất kỳ dịch tiết nào không và kiểm tra tai của chúng để phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng như mùi lạ hoặc sáp màu đen hoặc nâu…
Móng chân của chó Chihuahua cũng không quá dài đến mức phải cắt thường xuyên, nhưng cần chú ý cắt theo định kỳ để tránh cho móng bị quá dài làm bị thương Cún.
Chó Chihuahua không cần tắm quá nhiều lần, Chó Chihuahua con có da rất nhạy cảm, nếu tắm quá nhiều sẽ dẫn đến ngứa và kích ứng da, hoặc làm lông khô và dễ rụng. Chỉ cần tắm cho chúng 1 lần/tháng là đủ, hoặc trừ khi Cún rơi xuống vũng bùn hoặc quá bẩn. Đặc biệt lưu ý, đối với chó Chihuahua con không được sử dụng các loại dầu gội chuyên trị bọ chét, ký sinh trùng của chó lớn để tắm, điều đó rất nguy hiểm với chó con.
Chỉ cần tắm cho chó Chihuahua 1lần/tháng hoặc khi chúng vừa rơi vào vũng bùn
Chó Chihuahua ăn gì? Chế độ dinh dưỡng cho chó Chihuahua
Lượng thức ăn của một chú chó tùy thuộc vào kích thước, độ tuổi, sự trao đổi chất và mức độ hoạt động của nó. Vì chó Chihuahua chạy nhảy theo bạn suốt ngày nên rất dễ bị kiệt sức, do đó bạn phải chú ý đến bữa ăn cho chúng để đảm bảo nguồn thực phẩm chất lượng cao, đầy đủ dinh dưỡng và năng lượng cần thiết. Chihuahua có thân hình bé nên tốt nhất là chia ra các bữa ăn nhỏ và cho ăn thường xuyên.
Chó Chihuahua không ăn nhiều nhưng thức ăn phải đủ chất dinh dưỡng
Thời gian và tần suất nên phụ thuộc vào độ tuổi.
– Giai đoạn từ 1- 3 tháng tuổi: chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều lần trong ngày khoảng 4 lần/ngày. Giai đoạn này hệ tiêu hóa của chó con còn kém, chỉ nên ăn thức ăn mềm như cháo xay nhuyễn và cho uống thêm sữa để bổ sung dinh dưỡng, canxi, protein.
– Từ 3 – 6 tháng tuổi: chia khẩu phần ăn thành 3 bữa/ngày. Có thể cho ăn những thức ăn ở dạng thô hơn như cháo thịt hoặc cơm trộn thịt. Nhớ bổ sung thêm tôm, cá, rau củ quả để tăng cường canxi và chất xơ.
– Từ 6 tháng tuổi trở đi: thì cún đã phát triển tương đối nên có thể cho ăn đa dạng hơn, vẫn nên chia khẩu phần ăn thành 3 bữa/ ngày. Thay đổi nguồn thực phẩm đa dạng để đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho sự phát triển toàn diện của Chihuahua.
Các loại thực phẩm tốt cho chó Chihuahua phát triển
Các bệnh thường gặp ở chó Chihuahua
Chihuahua là giống chó ổn định về sức khỏe và có thể trạng tốt. Hầu như chúng không có bất cứ vấn đề lớn nào về sức khỏe. Các vấn đề sức khoẻ của Chihuahua thường phần lớn nguyên nhân là do di truyền. Do đó, hãy chọn mua Cún ở đại chỉ uy tín để hạn chế tối đa các vấn đề sức khoẻ ngay từ bé của Chihuahua nhé, đồng thời đảm bảo Cún được tiêm phòng đầy đủ các bệnh nguy hiểm.
Chọn mua chó Chihuahua ở địa chỉ uy tín, nguồn gốc tốt để hạn chế các bệnh di truyền
Các vấn đề sức khoẻ tiềm ẩn nguy hiểm ở giống chó Chihuahua như:
- Bệnh xương khớp:
Lưu ý vấn đề “xương bánh chè”, đây là vấn đề khá phổ biến ở giống chó tí hon này. Đây là vấn đề do 3 bộ phận, xương bánh chè, xương đùi, xương bắp chân sắp xếp lệch so với bình thường. Gây ra triệu chứng chân đi khập khiễng, dáng đi bất thường giống như đang nhảy. Đây là vấn đề thường gặp ở những chú cún sơ sinh, có thể lớn lên sẽ tự biến mất. Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý, vì có thể vấn đề sẽ trở nên nghiệm trọng như gây ra các bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp, gây dị tật bẩm sinh.
- Bệnh về mắt:
Vì cấu trúc mắt của chó Chihuahua to và lồi so với toàn bộ khuôn mặt, nên nguy cơ nhiễm trùng hoặc mắt các bệnh về mắt cũng khá cao. Các bệnh về mắt thường gặp ở chó Chihuahua là: khô mắt, vật thể lạ trong mắt, viêm giác mạc, đục thuỷ tinh thể … Các triệu chứng ban đầu là đỏ mắt, chảy nước mắt và gỉ nhiều hoặc Cún liên tục đưa chân lên mắt. Các bệnh về mắt thường không khó chữa nhưng khi để lâu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng thị lực của Cún, thậm chí mù loà nên hãy cho Cún đến thú y nếu mắt có bất cứ sự thay đổi nào.
Cấu trúc đôi mắt to lồi làm chó Chihuahua dễ mắc các bệnh về mắt
- Hạ đường huyết:
Hạ đường huyết hay lượng đường trong máu thấp là vấn đề rất dễ xảy ra ở giống chó Chihuahua, vì chúng tăng động suốt ngày nên bạn có thể sẽ không nhận ra cho đến khi nó kiệt quệ sức lực. Hạ đường huyết có thể điều trị dễ dàng trong giai đoạn đầu, nhưng có thể gây tử vong nếu không được điều trị. Điều quan trọng là chủ nuôi phải lưu tâm và am hiểu các dấu hiệu nhận biết để kịp thời xử lý.
Một số dấu hiệu thường biểu hiện khi Chihuahua bị hạ đường huyết như sau: đột nhiên chậm lại, cường độ hoạt động tuột dốc, sắc thái bơ phờ, sau đó là run rẩy. Nếu bắt gặp những dấu hiệu như vậy, hãy chấm vào đầu lưỡi của nó một ít mật ong, sau đó đưa đến bác sĩ thú ý ngay lập tức. Cách tốt nhất để phòng tránh tình trạng này là thường xuyên theo dõi, cho ăn nhiều lần trong ngày, đảm bảo cung cấp đầy đủ chất glucose trong chế độ ăn.
Cho Chó Chihuahua ăn nhiều lần trong ngày để hạn chế bị hạ đường huyết
- Vấn đề về tim mạch:
Vấn đề tim mạch ở chó Chihuahua có thể hiểu là vấn đề về van tim, khi hô hấp tim phát ra âm thanh bất thường, do một số nguyên nhân như tim đập nhanh, máu chảy dồn dập hay van tim bị hỏng. Chúng thể hiện qua chỉ số cho thấy có thể có bệnh hoặc tình trạng của tim sẽ cần được theo dõi và điều trị. Âm thanh càng lớn nghĩa là tình trạng càng nặng. Nếu phát hiện dấu hiệu như vậy nên cho Cún đến bác sĩ thú y để chẩn đoán qua triệu chứng hoặc chụp X quang để có liệu trị chữa trị bằng thuốc. Khi nuôi Chihuahua chủ nhân nên kiềm chế mức độ vận động cũng như hạn chế cường độ các bài tập luyện.
Liên hệ bác sĩ thú y nếu chó Chihuahua có bất cứ vấn đề bất thường nào
- Vấn đề hẹp phổi:
Đây là bệnh bẩm sinh thường gặp ở giống Chihuahua. Khi máu không chảy qua tim vì van phổi bị dị dạng, gây tắc nghẽn. Điều này có nghĩa sẽ gây áp lực lớn lên tim, dẫn đến suy tim. Trong trường hợp nhẹ thì nó có thể tự khỏi, nhưng trong những trường hợp nặng thì buộc phải phẫu thuật.
- Rùng mình:
Rùng mình cũng thường xảy ra ở Chihuahua. Các dấu hiệu là không rõ ràng nhưng nó thường xảy ra khi Cún bị kích động, căng thẳng hoặc lạnh.
Chế độ luyện tập và huấn luyện cơ bản cho chó Chihuahua
Mặc dù Chihuahua có kích thước nhỏ, nhưng cũng giống như tất cả các giống chó khác, Chihuahua cần được tập thể dục và huấn luyện khi đem về nuôi. Chihuahua rất dễ huấn luyện tại nhà, bạn chỉ cần tập cho chúng những thói quen thường xuyên và có lịch trình phù hợp. Nên cho Cún tiếp xúc nhiều với những vật nuôi khác và những người thân xung quanh bạn, để chúng học các hòa nhập với cuộc sống. Thông qua đó chúng sẽ học được cách ứng xử phù hợp với môi trường sống quanh mình.
Cho Chó Chihuahua ra bên ngoài để vận động và tìm hiểu xung quanh
Một chú chó con cần được ra ngoài ngay khi thức dậy, sau bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Nên để chúng vào một chiếc lồng, trong những thời gian bạn không thể giám sát được chúng để ngăn những nguy hiểm có thể ập tới với giống chó nhỏ bé này. Tuy nhiên đừng nhốt Chihuahua quá lâu (không quá 2 tiếng) trừ giấc ngủ đêm.
Huấn luyện Chihuahua bằng cách sử dụng các kỹ thuật mang tính khích lệ như thưởng thức ăn, khen ngợi và âu yếm chúng. Bạn sẽ sớm thấy rằng nó có thể học bất cứ điều gì bạn dạy và thật sự tiếp thu rất nhanh.
Các câu hỏi thường gặp về chăm sóc chó Chihuahua
Chó Chihuahua có phù hợp với chung cư không?
Vì thân hình nhỏ bé nên Chihuahua không đòi hỏi quá nhiều về không gian sinh sống. Chúng có thể ở bất cứ đâu, dù là chung cư, căn hộ hay nhà ở.
Chihuahua có nền tảng sức khỏe tốt, thể trạng ổn định nên môi trường sống cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe của chúng. Tuy nhiên bạn vẫn phải nên nhớ giống chó này rất sợ lạnh, do đó hãy luôn mặc áo cho Chihuahua khi thời tiết trở lạnh hoặc trong phòng máy lạnh.
Chó Chihuahua thường bị bệnh gì?
Chihuahua là giống chó ổn định về sức khỏe và có thể trạng tốt. Hầu như chúng không có bất cứ vấn đề lớn nào về sức khỏe. Và các vấn đề sức khoẻ của Chihuahua thường do di truyền, do đó hãy chọn địa chỉ mua Cún uy tín để hạn chế bệnh nhé từ bé và đảm bảo Cún được tiêm phòng đầy đủ.
Chó Chihuahua ăn gì? Cách chăm sóc chó Chihuahua?
Chihuahua có thân hình bé nên tốt nhất là chia ra các bữa ăn nhỏ và cho ăn thường xuyên. Thời gian và tần suất nên phụ thuộc vào độ tuổi.
Giai đoạn từ 1- 3 tháng tuổi, chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều lần trong ngày khoảng 4 lần/ngày. Giai đoạn này hệ tiêu hóa của chó con còn kém, chỉ nên ăn thức ăn mềm như cháo xay nhuyễn và cho uống thêm sữa để bổ sung dinh dưỡng, canxi, protein.